Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, nhà cách mạng thiên tài và là người đặt nền móng khai sinh cho nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, trong quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của báo chí và coi đó là “công cụ” quan trọng góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng và trong việc nâng cao dân đức, dân trí.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp viết báo của mình. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung. Bài báo đầu tiên của Bác có nhan đề “Quyền các dân tộc” với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Nhân Đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 18/6/1919. Những bài viết của Bác đăng trên báo cánh tả (là các báo ngân quỹ ít ỏi) hầu như không có nhuận bút, nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Năm 1921, với tên Nguyễn Ái Quốc, Bác cùng một số chính khách thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và năm 1922 lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội. Le Paria thể hiện tinh thần đoàn kết và giải phóng con người, số đầu xuất bản ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành nòng cốt của tờ báo: Vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên, nhiếp ảnh viên kiêm việc tổ chức, quản lý, phát hành và Bác đã viết tới 38 bài cho tờ báo này. Tháng 11/1924, Bác được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, với báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận. Tại đây, Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày, viết nhiều bài chính luận sắc bén và chuyển báo về nước bằng đường thủy để phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng cho nhân dân. Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 1/1927, báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập. Các báo này xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, nhưng còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hán, Pháp, Anh..., hình thức mới mẻ mà gần gũi, nội dung phong phú nhưng luôn bám sát các chủ trương, mục tiêu cách mạng.
Từ ngày 3 đến ngày 7/2/1930, tại Hồng Kông, Bác trực tiếp tổ chức, chỉ đạo Hội nghị thống nhất các đảng phái, phong trào cộng sản ở Việt Nam để thành lập một đảng mới với tên Đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định đình bản những tờ báo riêng rẽ của các tổ chức đảng trước đây, để tập trung xuất bản báo Tranh đấu và tạp chí Đỏ, những số đầu phát hành vào tháng 8/1930. Trong thời kỳ này, với nhiều bút danh khác nhau, Bác còn cộng tác với các báo tiến bộ trong nước, đồng thời viết hàng loạt bài cho những tờ báo cách mạng nổi tiếng thế giới: L’ Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d’Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Mezdunarodnaia Telegramma (Điện tín Quốc tế) của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô... Tháng 1/1941 Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập Mặt trận Việt Minh, cho ra tờ báo Việt Nam độc lập từ năm 1941 và báo Cứu quốc từ năm 1942. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng. Ngoài sáng lập, tổ chức hoạt động, Bác là cộng tác viên nhiệt tình của nhiều tờ báo lớn. Chỉ riêng với báo Nhân dân, từ số 1 ngày 11/3/1951 đến số 5526 ngày 1/6/1969, Bác đã gửi tới và được đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau. Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, tức là trước một tuần ngày Bác đi xa. Có tài liệu cho rằng: Bài báo cuối cùng của Bác là bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên CB, đăng báo Nhân Dân, số ra ngày 1/6/1969.
Để chỉ đạo báo chí cách mạng trong nước, Bác đã chỉ ra những nhiệm vụ vừa khái quát, vừa cụ thể của các nhà báo, đồng thời đề cao tính trung thực - một đặc trưng quan trọng hàng đầu của báo chí, và đây cũng là sự mở rộng luận điểm nổi tiếng của Bác về báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy”. Nói cách khác, Bác phê phán hai khuynh hướng “tô hồng” và “bôi đen” của báo chí nói chung và khẳng định báo chí cách mạng phải phản ánh trung thực hiện thực khách quan - với mục đích: “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.
Trong sự nghiệp 50 năm viết báo cách mạng, Bác Hồ đã có trên 2 nghìn bài báo thuộc các thể loại, viết cho hơn 50 tờ báo và tạp chí ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng, với trên 50 bút danh hiện có tài liệu cho biết: Bác Hồ dùng tới trên 100 bút danh. Những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng và tiến tới những giá trị cao đẹp Chân - Thiện - Mỹ. Với 60 năm hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Bác Hồ đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với các loại kẻ thù của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng Xã hội chủ nghĩa./.
P.V (tổng hợp)