Những năm qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam đã vào cuộc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và đạt những kết quả tích cực, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới cả nước. Tiếp nối thành tích đã đạt được, năm 2024, chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận, trên những cung đường nông thôn mới khoe sức sống mới cùng hành trình đổi mới của đất nước.
Từ khóa: Hà Nam, xây dựng nông thôn mới, nông thôn, nông nghiệp, OCOP
In recent years, the entire political system of Ha Nam province has implemented the National Target Program for new rural construction and achieved positive results, becoming a light spot in new rural construction of the whole country. Continuing the achievements, in 2024, the new rural construction program in Ha Nam province continues to achieve remarkable results, the new rural roads show off new vitality with the country's innovation journey.
Keywords: Hanam, new rural construction, rural areas, agriculture, OCOP
Hà Nam - điểm sáng xây dựng nông thôn mới cả nước
Thời gian qua, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhờ ý chí quyết tâm, sự chung sức đồng lòng, phong trào xây dựng NTM tại tỉnh Hà Nam đạt kết quả ấn tượng, trở thành điểm sáng trong phòng trào xây dựng NTM cả nước. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố) của Hà Nam đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao. Hà Nam là tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, với kỳ vọng đạt được mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, tạo ra sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, Hà Nam tiếp tục quyết tâm thực hiện xây dựng NTM trên toàn tỉnh.
Tỉnh Hà Nam phấn đấu mục tiêu năm 2024 công nhận thêm từ 8 - 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; cơ bản các xã hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 62 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1,96%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 94%, công nhận 20-25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Năm 2024 có 15 xã của Tỉnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 35 ý tưởng sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP năm 2024.
Để đạt mục tiêu về xây dựng NTM năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tăng cường, tạo sự thống nhất trong tổ chức và hành động từ Tỉnh đến cơ sở. Tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai như: Kế hoạch số 2292/KH-UBND ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024; Kế hoạch số 2109/KH-UBND ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP" tỉnh Hà Nam năm 2024; Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 19/6/2024 của UBND tỉnh về việc sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025... Các chính sách xây dựng NTM tại Hà Nam năm 2024 đều tập trung vào nâng cao chất lượng và duy trì bền vững của các tiêu chí đã đạt được.
Năm 2024, Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Nam tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tỉnh đã huy động được tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM là trên 1,2 nghìn tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách Tỉnh là 516,8 tỷ đồng, từ ngân sách huyện là 336,9 tỷ đồng, từ ngân sách xã 156,3 tỷ đồng và nguồn vốn lồng ghép là 7,9 tỷ đồng. Xây dựng NTM được xác định là bước đệm quan trọng để phát triển KT-XH toàn diện và lâu dài. Do đó, ngoài sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, việc huy động nguồn lực đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người, tạo xung lực đưa phong trào xây dựng NTM tỉnh Hà Nam ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhân dân địa phương đã đóng góp tới 193,1 tỷ đồng và vốn góp từ doanh nghiệp, hợp tác xã là 7,1 tỷ đồng,
Để chương trình xây dựng NTM có sức lan tỏa rộng khắp, các cấp Hội đã huy động được nhiều lực lượng tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động nhân nhân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“. Nhờ đó, nhiều mô hình đã được xây dựng và nhận rộng như: Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình; mô hình tuyến đường hoa, cây xanh; Mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và một số phong trào được duy trì và triển khai rộng khắp như: Vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; Phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng cổng làng, lắp camera an ninh và phong trào hiến đất làm đường…
Chương trình OCOP được xác định là bước đi quan trọng trong xây dựng NTM tại Hà Nam, không chỉ giúp nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương “từ làng ra phố” mà còn phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân. Thực hiện chương trình, các địa phương, hộ gia đình, cơ sở sản xuất trên địa bàn Tỉnh đã tích cực nghiên cứu các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu để đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã hàng hóa; đồng thời nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún phát triển lên quy mô lớn hơn.
“Có công trồng cây, có ngày hái quả”, chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, các xã của tỉnh Hà Nam cơ bản đã đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tính đến hết tháng 9/2024, tỉnh Hà Nam có 100% số xã (83/83 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao). Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP phát huy tốt thế mạnh, hiệu quả kinh tế, được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Bún, phở khô Hợp Lý; giò lụa, xúc xích, giăm bông, lạp xường, tỏi đen Linh An xã Công Lý; trà đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã dược thảo Minh Đức, xã Công Lý…
Hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, làm mới tương đối đồng bộ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các xã đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới đưa vào sử dụng trên 80 km đường giao thông nông thôn, 480 phòng học các cấp, 01 trụ sở UBND xã, 04 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 15 nhà văn hóa thôn, 03 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước. Đồng thời, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn;...
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung, triển khai thực hiện các Đề án, tiếp thêm năng lượng cho chương trình xây dựng NTM như: Đề án Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; mô hình cánh đồng mẫu; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mô hình phát triển rau, củ quả sạch liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; mô hình nuôi dê sinh sản, dê thịt, bò sữa, bò thịt, mô hình nuôi cá sông trong ao....; Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, ngành nông nghiệp được cơ cấu lại, phát triển theo hướng hiện đại với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết; sản xuất gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giúp cải thiện thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM so với giai đoạn đầu chương trình.
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã đã đạt được nhiều kết quả, đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7% (trong đó nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt 90,56%). Công tác thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn thường xuyên được quan tâm. Toàn Tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 105 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”; trên 95% khu dân cư có tổ thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục phát động và đầu tư lắp đặt hệ đường điện chiếu sáng, trồng bổ sung, chăm sóc hoa, cây xanh ven đường trục xã, trục thôn, trụ sở, trường học, khu dân cư tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Triển khai và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, nước thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. Thêm vào đó, phát triển và nâng cao chất lượng toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn.
Theo đánh giá, đến nay cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời đã, đang hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt một số xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024 đến nay cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra, xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Xã Hoàng Tây huyện Kim Bảng; Tiên Ngoại, Tiên Sơn thị xã Duy Tiên; Đinh Xá thành phố Phủ Lý.
Tại hội nghị trực tuyến đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) diễn ra vào tháng 10/2024, Hà Nam tiếp tục được nếu tên là điểm sáng trong phòng trào xây dựng NTM cả nước khi là một trong 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Sức sống mới trên những cung đường nông thôn mới
Huyện Bình Lục vốn được coi là vùng rốn nước hạ lưu của châu thổ sông Hồng, một vùng đất chiêm trũng, khó canh tác của tỉnh Hà Nam. Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của Tỉnh, năm 2022, huyện ủy Bình Lục đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về xây dựng huyện Bình Lục đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao vào năm 2025.
Xác định rõ xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cả hệ thống chính trị ở các cấp huyện Bình Lục đã vào cuộc với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm cao. Bình Lục đã bám sát định hướng xây dựng NTM của Tỉnh; triển khai thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; khích lệ, động viên, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM.
Vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên, năm 2023, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam có tới 7/17 xã [1] được công nhận đat chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 26/2/2024 của UBND tỉnh Hà Nam.
Vinh dự đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023, những cung đường xã Bình Nghĩa dường như tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, 100% các trục đường được cứng hóa, lắp đặt biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và lắp đèn chiếu sáng đảm bảo tiêu chí về “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục cũng khang trang hơn, 3/3 trường trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Xã có nhà văn hóa được xây đầu tư xây dựng, với 360 chỗ ngồi, có đủ 5 phòng chức năng đã đạt chuẩn và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã với diện tích 6.000 m2, đáp ứng được nhu cầu thể dục thể thao của Nhân dân. 9/9 thôn của xã có nhà văn hóa - khu thể thao được tu bổ, tôn tạo, xây mới đảm bảo về diện tích, chỗ ngồi, trang thiết bị hoạt động, tạo điều kiện cho phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp.
Hạ tầng giao thông xã Bình Nghĩa được đầu tư nâng cấp, 100% các trục đường được cứng hóa,
lắp đặt biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và lắp đèn chiếu sáng đảm bảo tiêu chí về “sáng, xanh, sạch, đẹp”
lắp đặt biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và lắp đèn chiếu sáng đảm bảo tiêu chí về “sáng, xanh, sạch, đẹp”
Điều đáng nói là cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Bình Nghĩa có sự chuyển biến tích cực. Năm 2023, xã tỉ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 85,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,3 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,61%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, tỷ lệ người dân tham gia các loại hình BHYT trên địa bàn xã ttính đến tháng 10/2023 đạt 95,1%. An ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, môi trường được đảm bảo.
Chương trình xây dựng NTM cũng khoác lên màu áo mới cho xã Tràng An, huyện Bình Lục. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông. Hiện 100% đường trục xã, liên xã (11,2/11,2km) được bảo trì hằng năm, có các hạng mục cần thiết (như: Biển báo, biển chỉ dẫn, đường điện chiếu sáng, gờ giảm tốc…); 100% đường thôn, đường liên thôn (tổng số 31,2/31,2km) được cứng hóa, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp; 14,9/14,9 km đường trục chính nội đồng được bê tông hoặc cứng hóa bảo đảm vận chuyển hàng hóa, phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất ở địa phương.
Để nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thời gian qua, xã Tràng An chú trọng đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Trên địa bàn xã hiện có 15 máy cày, 5 máy gặt, 3 máy cấy. Nhờ đó, 100% diện tích đất cấy lúa làm bằng máy, 100% diện tích lúa thu hoạch bằng máy, 27% diện tích lúa được cấy bằng máy. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Tràng An còn quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ tích cực đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã Tràng An không ngừng được nâng cao. Năm 2023, bình quân thu nhập đầu người của xã đạt 72 triệu đồng, vượt xa so với yêu cầu của tiêu chí thu nhập (yêu cầu của tiêu chí thu nhập là từ 68 triệu đồng/người/năm trở lên).
Đời sống tinh thần của người dân Tràng An cũng không ngừng được cải thiện. Toàn xã đã lắp đặt 10 bộ tăng âm loa đài tại nhà văn hóa các thôn cùng 55 bộ dụng cụ luyện tập thể thao ngoài trời tại UBND xã và các điểm sinh hoạt văn hóa ở khu dân cư để đẩy mạnh phong trào luyện tập văn nghệ, thể thao. 7/7 thôn sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa; duy trì các hoạt động thể dục thể thao và đã được công nhận, duy trì giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”.
Chương trình xây dựng NTM cũng khoác lên màu áo mới cho xã Tràng An, huyện Bình Lục
Môi trường là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao. Thời gian qua, xã Tràng An đã thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan sáng – xanh - sạch - đẹp. Đến nay, 100% các hộ gia đình đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải. Chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển về bãi trung chuyển để mang đi xử lý đạt trên 98%. 60% các tuyến đường trục thôn được đầu tư xây dựng có hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải liên kết với hệ thống thoát nước chung của xã bảo đảm tiêu thoát nước trong khu vực, không còn hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng, ngập úng. Toàn xã có khoảng 58% số hộ dân tham gia thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế lượng rác thải hằng ngày thải ra môi trường.
Thực hiện mô hình “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh” các tổ chức đoàn thể chính trị, công đoàn cơ quan xã, các thôn xóm thường xuyên tổ chức quét dọn, vệ sinh khu công cộng, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thông thoáng.
Không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư, môi trường đồng ruộng trên địa xã cũng được quan tâm bảo vệ. Từ nguồn xã hội hóa, xã đã lắp đặt 125 bể thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để khắc phục tình trạng vỏ bao thuốc thực vật vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, gây ách tác dòng chảy, ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân.
Kết quả xây dựng NTM tại mỗi xã đã và đang chắp cánh cho huyện Bình Lục vươn mình bứt phá, từng bước trở thành huyện phát triển năng động của tỉnh Hà Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hà Nam, Báo cáo số 415/BC-SNN ngày 30/9/2024 kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2024;
2. Phạm Hiền (2020, Báo Hà Nam), https://www.baohanam.com.vn/xa-hoi/nong-thon-moi/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-o-trang-an-126550.html
3. Trang Thông tin điện tử xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), https://binhnghia.binhluc.hanam.gov.vn/vi/news/tin-hoat-dong/xa-binh-nghia-don-bang-cong-nhan-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-49.html
[1] 7 xã gồm: Bình Nghĩa, Đồng Du, Tràng An, Bồ Đề, La Sơn, Đồn Xá
Bích Ngọc