Tuyên Quang: Quyết tâm chung sức Xây dựng nông thôn mới

|

Tuyên Quang: Quyết tâm chung sức Xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Hàm Yên và huyện Sơn Dương được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và chính quyền các địa phương để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tăng cường sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Theo đó, giai đoạn 2021-2024 các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Tỉnh ban hành: 17 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 84 Quyết định, 18 Kế hoạch của UBND tỉnh. Các Sở, ngành của Tỉnh đã thường xuyên phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện và Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới cấp huyện và các xã đã được phân công phụ trách để nắm bắt thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc tổ chức thực hiện tại địa phương, nhằm thực hiện tốt các nội dung của Chương trình.


Người dân xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương chung sức xây dựng nông thôn mới

Để thực hiện hoàn thành Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, bên cạnh việc hoàn thiện, phấn đấu có thêm các xã về đích nông thôn mới thì việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn cũng được các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tại các kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới hằng năm của Tỉnh, việc thực hiện duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM luôn được xác định là một trong những nội dung để tổ chức thực hiện.

Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh có Văn bản số 22/BCĐ- VPĐP ngày 15/11/2023 gửi Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG các huyện, thành phố về việc tập trung chỉ đạo duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí trong thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; trong đó đề nghị các huyện, thành phố thực hiện rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể trong việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo hoàn thành mục tiêu được giao. UBND huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện Chương trình hằng năm, trong đó có việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn.


Nhà Văn hoá thôn Kai Con, xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt văn hóa, thể thao của Nhân dân

Ngoài ra, Tỉnh còn tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thông qua đó phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của Nhân dân trong XDNTM. Quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ban, ngành có liên quan của Tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc trong thẩm định, kiểm tra, trả lời, giải trình những vấn đề Nhân dân còn băn khoăn, kiến nghị, có mức độ hài lòng chưa cao. Kết quả đánh giá sự hài lòng của Nhân dân là căn cứ, cơ sở để các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đạt được nhiều kết quả tích cực

Trước đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định công nhận thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, gồm: An Khang, Thái Long (thành phố Tuyên Quang); Ninh Lai, Hồng Lạc (huyện Sơn Dương); Hồng Thái (huyện Na Hang). 7 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM mới, giai đoạn 2021-2025, gồm: Khâu Tinh (huyện Na Hang); Xuân Vân, Chiêu Yên (huyện Yên Sơn); Phú Lương, Hợp Hòa, Văn Phú, Kháng Nhật (huyện Sơn Dương). Tính đến hết quý III năm 2024, toàn Tỉnh đã có 74 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.


Người dân thôn Khánh Xuân, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên thu hoạch ớt chỉ thiên, một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thành phố Tuyên Quang là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ năm 2020 với 5/5 xã đạt chuẩn NTM. Giờ đây, diện mạo nông thôn của Thành phố được đổi mới toàn diện, ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển và giữ vững vai trò chủ đạo, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương; văn hóa, y tế, giáo dục phát triển đồng bộ; môi trường được bảo vệ góp phần xây dựng thành phố Tuyên Quang ngày càng “Sạch – Xanh – Sáng - Đẹp”; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để hoàn thành xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã huy động được tổng nguồn lực hơn 570 tỷ đồng, trong đó Nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp hơn 22,8%. Các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với sản xuất và dân sinh như: Giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải tập trung... Quá trình tổ chức thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, bảo đảm xác định được nguồn vốn đầu tư cho nên không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ của ngân sách các cấp, các xã tập trung vận động nhân dân chủ động sửa chữa, xây dựng mới nhà ở bảo đảm đạt chuẩn, cùng nhiều hạng mục hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.


Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí sản xuất tại thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật,
huyện Sơn Dương

Hiện nay, thành phố Tuyên Quang đang tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Do vậy, hơn 96% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch, tạo thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả diện tích 346 ha. Các vùng sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ, cho lợi nhuận từ 200-400 triệu/ha/năm. Giá trị sản phẩm bình quân 1 ha đất nông nghiệp đạt 120 triệu đồng...

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, các xã mục tiêu XDNTM trong giai đoạn tới chủ yếu là xã thuộc khu vực III, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Mức độ đáp ứng các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại đây còn rất thấp, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các bên liên quan. Một số xã sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM đã gặp khó khăn trong việc duy trì tiêu chí, dẫn đến nguy cơ bị thu hồi quyết định công nhận. Đồng thời, việc hướng dẫn, hỗ trợ từ một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh chưa thực sự chủ động và thường xuyên, khiến tiến độ hoàn thiện hồ sơ chứng minh tại các xã và huyện bị chậm trễ, không đạt yêu cầu về chất lượng. Ngoài ra, một số cơ quan từ tỉnh đến cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện Chương trình. Điều này dẫn đến việc hoàn thành tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu, hồ sơ minh chứng không đúng hoặc chưa đủ theo quy định.


Nhiều hộ dân thành phố Tuyên Quang trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao

Để khắc phục những hạn chế trên, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 3625/UBND-KT ngày 12/8/2024 về việc phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện, hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Các Sở, ban, ngành tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo hồ sơ thanh, quyết toán dự án, công trình tuân thủ đúng quy định của nhà nước. Việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã mục tiêu năm 2023 phải xong trước ngày 30/8/2024 và các xã mục tiêu năm 2024 phải hoàn tất trước ngày 15/12/2024.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới cần tăng cường kiểm tra, phối hợp với UBND các cấp trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và hoàn thiện hồ sơ minh chứng. Đặc biệt, sự phối hợp giữa UBND huyện Hàm Yên và UBND huyện Sơn Dương với các Sở, ngành của Tỉnh là yếu tố quan trọng để đảm bảo tiến độ và chất lượng hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra. Cùng với đó, UBND tỉnh Tuyên Quang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn và thẩm tra hồ sơ thẩm định các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với những vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị cần báo cáo kịp thời để Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh có hướng giải quyết.


Người dân thành phố Tuyên Quang đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết và xây dựng thương hiệu sản phẩm

Có thể thấy, chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Tuyên Quang đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong diện mạo nông thôn, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Có thêm 02 huyện (Hàm Yên, Sơn Dương) được công nhận huyện nông thôn mới; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30% xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới nâng cao”; 10% xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và huy động hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng NTM. Những thách thức hiện tại không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm mà còn cần sự sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai, thực hiện các giải pháp để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững và đạt hiệu quả cao nhất./.

Trọng Nghĩa