Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

|

Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế


Tháng 7/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Bắc Ninh có mức tăng trong tháng rất cao so với cùng kỳ (CK), đạt (+15,21%). Trong đó, cả 3 ngành công nghiệp cấp 1 đều tăng cao: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+15,22%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+9,61%) và ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng (+24,88%).

Ngành công nghiệp cấp 2, có tới 18/24 ngành có chỉ số sản xuất (SX) tăng, một số ngành có chỉ số tăng cao là: SX thuốc, hóa dược và dược liệu (+43,73%); In, sao chép bản ghi các loại (+32,77%), SXSP thuốc lá (+15,88%); đáng chú ý phải kể đến Ngành 26 tăng rất cao 17,12%. Ở chiều ngược lại, vẫn có 06 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số giảm, cụ thể là: Sản xuất chế biến thực phẩm (-1,09%); Chế biến gỗ và SXSP từ gỗ, tre, nứa (-26,22%); SX thiết bị điện (-35,78%); SX máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-7,77%); SX phương tiện vận tải khác (-11,58%); Khai thác, xử lý và cung cấp nước (- 0,83%).

 

 
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam
 
Tính chung 7 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng cao 10,44% so với CK và là năm có mức tăng cao thứ 2 trong 5 năm qua, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,39%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,13% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng cao 22,87%.

Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, có tới 19 ngành có chỉ số IIP tăng, trong đó một số ngành có mức tăng cao như: In, sao chép bản ghi các loại (+69,83%); SX sản phẩm thuốc lá (+43,96%); SX kim loại (+30,5%); đáng chú ý Ngành 26 (+11,38%). Ở chiều ngược cũng có 05 ngành có chỉ số giảm, cụ thể là: SX giấy và sản phẩm từ giấy (-3,79%); SX sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-4,43%); Sản xuất thiết bị điện (-9,34%); SX máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (-10,06%) và Sản xuất phương tiện vận tải khác (-19,84%).

Nhờ sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong tháng 7 tiếp tục có sự phục hồi tốt đã kéo nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng lên, có 56,5% sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt được mức tăng với tháng trước và CK, cụ thể: So với tháng trước, có 13/23 sản phẩm chủ yếu có mức tăng, trong đó có 03 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: Máy in (+11,7%); Điện thoại di động thường (+7,4%) và Đồng hồ thông minh (+39,4%). Còn lại 10 sản phẩm chủ yếu có mức giảm, trong đó có 03 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: Điện thoại thông minh (-14,4%); Linh kiện điện tử (-16,4%) và Pin điện thoại các loại (-31,1%). So với cùng tháng năm trước, có tới 13 sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng, trong đó cũng có 03/06 sản phẩm trọng điểm của tỉnh: Máy in (+37,6%); Linh kiện điện tử (+21,7%) và Pin điện thoại các loại (+15,6%). Ở chiều ngược lại, có 10 sản có mức giảm so với tháng cùng kỳ, trong đó có 03 sản phẩm trọng điểm của tỉnh đó là: Điện thoại di động thường (-52,4%); Điện thoại thông minh (-9,5%) và Đồng hồ thông minh (-12,1%).

Trong 7 tháng, có tới 17 sản phẩm chủ yếu có mức tăng so với CK, trong đó, có 04 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: Máy in (+14,5%); Điện thoại thông minh (+3,9%); Linh kiện điện tử (+13,4%) và Pin điện thoại các loại (+3,5%). Ở chiều ngược lại chỉ có 06 sản phẩm chủ yếu có mức giảm, trong đó có 02 sản phẩm trọng điểm của tỉnh là: Điện thoại di động thường (-33,5%) và Đồng hồ thông minh (-1,7%).

Cùng với sản xuất công nghiệp, tháng 7 tiếp tục là tháng có số doanh nghiệp thành lập mới tăng đột biến so với tháng trước và tăng nhiều so với CK năm trước, đồng thời tổng vốn đăng ký cũng như vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao. Điều đó cho thấy, tỉnh Bắc Ninh với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.



Sản xuất thiết bị đeo thông minh tại nhà máy của Samsung
(Khu CN Yên Phong Bắc, Bắc Ninh).

 
Theo đó, trong tháng 7, số doanh nghiệp thành lập mới là 400 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký bổ sung là 3.561 tỷ đồng, tăng nhiều ở cả 2 gốc so sánh tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt tăng là (+133,9%) và (+19,4%); về tổng vốn đăng ký bổ sung, đạt 3.561 tỷ đồng, tương tự cũng tăng ở cả 2 gốc so sánh lần lượt là (+430,4%) và (+88,6%); đối với, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8,9 tỷ đồng, (+126,7%) và (+57,9%). Ngoải ra, có 92 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (+95,7%) và (+7%); 119 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tăng nhiều so với tháng trước (+91,9%) nhưng giảm so với cùng tháng năm trước (-5,6%); có 44 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng nhiều ở cả 2 gốc so sánh (+51,7%) và (+76%).

Tính chung 7 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2.244 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 27.546 tỷ đồng, so với CK, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 31,5% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,3 tỷ đồng tăng 18,5%. Cũng trong 7 tháng, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động có 672 doanh nghiệp (+7,2%); ngược lại có 278 doanh nghiệp giải thể tự nguyện (+44%) so với CK và có đến 1.425 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (+15,4%). Như vậy, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường là 2.916 doanh nghiệp (+10,1%), bằng 171,2% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 1.703 doanh nghiệp (+19,3%). Ngoài ra, có 237 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình (+2,2%) nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn.

Lũy kế đến 18/7, trên địa bàn tỉnh có 23.703 DN đã đăng ký, tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước, với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 412.553 tỷ đồng, tăng 12,3% và 6.227 đơn vị trực thuộc, tăng 20,3%./.

Minh Châu (Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh)